Insane
Trong từng đường may


Điện đã được phát hiện bởi những người Hy Lạp cổ đại, thế mà mãi đến mùa hè năm 1948 nó mới tìm được đường đến trang trại của cha mẹ vợ tôi. Đó là khi chiếc xe tải của Hợp tác xã Điện lực Nông thôn quận Cam đến con đường Grimes Lake để trồng cột và kéo dây.
Những cử chỉ yêu thương cao quý được thực hiện bởi những người có thói quen làm những việc tốt nho nhỏ. (Khuyết danh)
Mẹ vợ tôi, bà Ruby, đang ngồi trước hiên nhà để bóc đậu trong lúc những người thợ trồng trụ điện xuống đất. Tối hôm đó, bà hỏi ông Howard - bố vợ tôi, xem ông nghĩ sao nếu bà mua một cái máy may điện. Chiếc máy may đạp chân của bà đã bị hỏng, nó là nạn nhân của hai đứa con trai “thích khám phá” của bà vì chúng đã “khai tử” cái bàn đạp máy may sớm như vậy.
Ngày hôm sau, hai ông bà lái xe đến Trung tâm máy may Singer ở Bedford và mua một chiếc máy may điện hiệu Singer mới toanh, có dụng cụ dùng để thùa khuyết áo, có vỏ bọc và còn có thêm một cái ghế. Giá của nó là 240 đô la, đó là số tiền họ kiếm được từ việc bán cả một xe tải đầy lợn cho một xí nghiệp thịt hộp ở New Solsberry.
Bà bắt tay vào việc may đồ cho mấy cậu con trai của mình. Sau bữa ăn tối, khi bàn ăn đã được dọn sạch sẽ và chén đĩa cũng đã rửa xong, bà lại cắm cúi bên chiếc máy may, cố may thật nhiều quần áo cho các con và cho những người hàng xóm. Bà đã may hàng ngàn chiếc váy đầm, áo sơ mi và quần đùi.
Cả quần áo búp bê, quần áo cho vợ của vị mục sư trong thị trấn, những bộ váy khiêu vũ, và cả những bộ áo cưới. Mũi kim của chiếc máy may hiệu Singer đã nhấc lên xuống cả triệu lần. Cả gia đình thường thiếp đi dưới những chiếc chăn bông do chính tay bà làm, và được ru ngủ bởi tiếng rền rền của chiếc máy Singer.
Bọn trẻ lớn lên và dọn ra ở riêng. Những đứa cháu lần lượt ra đời, có tám đứa tất cả. Chiếc máy may Singer lại may những bộ đồ sản phụ, đồ trẻ em, áo dài dành cho lễ rửa tội và chăn bông cho những chiếc nôi. Đến năm 1987, bà gọi điện cho chúng tôi, giọng hết sức chán nản. Sau ba mươi chín năm, chiếc máy may Singer của bà đã trở nên ì ạch. Vì thế bà mang nó đến cho ông Gardner ở thị trấn bên cạnh.
Ông ấy đã sửa qua nhiều máy may nhưng không thể phục hồi được chiếc máy của bà. Ông gửi nó đến tận Chicago. Một tháng sau, chiếc máy được gửi trả lại với một mảnh giấy gắn kèm ở sợi dây. Mảnh giấy ghi: Đã lỗi thời. Không còn bộ phận thay thế.
Ngày hôm sau, tôi đến một cửa hàng bán máy may để mua một chiếc mới. Chiếc máy cũ của bà được làm bằng kim loại, còn những cái máy mới toàn được làm bằng nhựa và có cả thiết bị điện tử để tính toán và giá thì chỉ ngang với chiếc xe hơi đầu tiên của bà. Họ phân loại chúng theo cách sử dụng. Tại nơi trưng bày còn một chiếc máy Singer đầu đen đời 1948 bằng kim loại.
“Cái này còn chạy không vậy?”, tôi hỏi người bán hàng.
“Tôi không biết nữa”, ông ấy trả lời. “Để tôi thử cắm điện xem sao.” Ông ấy cắm điện. Chiếc máy rền lên như được sống lại.
“Nó không phải để bán đâu”, ông ta bảo tôi. “Nó chỉ để trưng bày thôi. Quanh đây không còn nhiều những cái máy Singer cũ đầu đen như thế này nữa đâu.”
Thế là tôi kể cho ông ấy nghe về mẹ vợ tôi - về cách bà đã tự kiếm sống và bận bịu may vá như thế nào, về việc bà đã lấy công chỉ có sáu đô la cho một chiếc váy chỉ vì những người nhờ bà may đều không có nhiều tiền, về việc bà nhiều lần không lấy một đồng của khách, và rằng bà đã đam mê công việc may vá như thế nào.
Sau cùng, ông ấy đã bán cho tôi chiếc máy với giá hai mươi lăm đô la.
Vào dịp cuối tuần sau đó, chúng tôi chở chiếc máy xuống nhà bà. Bà đang ngồi trước hiên, chăm chú đợi chiếc xe của chúng tôi rẽ qua góc đường đầy sỏi. Bà bước ra và đứng cạnh chiếc xe lúc chúng tôi mở thùng đựng hành lý. Khi nhìn kỹ thấy chiếc máy may đầu đen đời 1948, bà nở một nụ cười khiến khuôn mặt càng lộ ra những nếp nhăn.
“Nó giống hệt cái máy cũ của mẹ”, bà nói nhỏ.
Chúng tôi khiêng cái máy vào nhà và gắn nó vào cái vỏ cũ. Hoàn toàn vừa khít. Chúng tôi cắm điện vào. Khi nghe được tiếng máy kêu, bà đã vỗ tay sung sướng.
Cái máy vẫn còn chạy tốt. Bà vẫn lấy công sáu đô la cho mỗi chiếc váy đầm - trừ khi đó là một chiếc váy cô dâu, vì khi ấy bà phải khâu nó bằng tay. Bạn sẽ phải trả mười lăm đô la cho việc đó, nhưng chỉ khi bạn có khả năng thôi.
Mới đây, bà ra Bắc để thăm đứa cháu gái Rachael của bà. Rachael đã cho bà xem con búp bê Barbie của nó, rồi nhờ bà may vài bộ quần áo cho Barbie. Ngay đêm đầu tiên trở về nhà, bà đã cắm cúi bên chiếc máy đầu đen đời 1948 của mình để may những chiếc áo đầm cho Rachael và cho búp bê của con bé. Bà may đến tận khuya.
Sáng hôm sau, bà lái xe xuống phố và gửi một gói hàng ra Bắc. Ba ngày sau, chuông điện thoại nhà bà reo vang. Rachael gọi điện cho bà chỉ để nói: “Cháu cám ơn bà”, “Cháu yêu bà lắm” và “Chừng nào cháu mới được gặp lại bà?”.
Trong hai lần khác, tôi và vợ cũng tìm thấy những chiếc máy may Singer đầu đen đời 1948 ở các cửa hàng đồ cổ. Chúng tôi đã mua chúng và chuyển đến cho mẹ. Bà còn phải may rất nhiều thứ, và chúng tôi không muốn bà không có máy để dùng trước khi bà không còn đồ để may.
Không phải lúc nào tôi cũng hoan nghênh mọi thứ mới mẻ xuất hiện trên đường, dù vậy tôi vẫn biết ơn việc nguồn điện đã tìm đến con đường Grimes Lake vào năm 1948. Tôi cũng biết ơn người đàn bà đã ngồi may trong đêm khuya, người đã gửi gắm tình yêu của mình trong từng đường may.
- Philip Gulley
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN
Sinh nhật đáng nhớ

Là một đứa trẻ sinh trưởng ở vùng núi Ozark thuộc bang Missouri vào thập niên 1930, tôi đã không biết rằng gia đình mình nghèo – thật vậy, mới 4 tuổi, tôi thật sự không biết thế nào là nghèo. Nhưng tôi biết rõ ràng rằng mình đã phát chán vì cứ phải ăn cháo bột yến mạch và cứ phải chịu những cơn lạnh cóng người.
Cách tốt nhất để đáp lại lòng tốt là hãy tử tế với những người khác. (Martha Kinney)
Một ngày nọ, chúng tôi nghe thấy một tiếng gõ cửa lớn và dứt khoát. Tôi bám lấy váy mẹ khi mẹ ra mở cửa cho một người trông giống như một gã khổng lồ trong bộ quần áo rộng thùng thình. Khuôn mặt ông ấy sạm đen vì nắng gió còn mái tóc thì dài và lại được cắt tỉa nham nhở. Ánh mắt của ông trông khá sắc bén.
“Bà là vợ của Leonard Presson?” Đó gần như là một lời đề nghị xác nhận thông tin hơn là một câu hỏi.
“Vâng”, giọng mẹ lạc đi và đầy hoảng sợ. “Nhưng chồng tôi đi săn rồi.”
Gã khổng lồ quay lại và vẫy hai đứa bé trai đang ngồi trong chiếc xe ngựa đỗ ngay sát cửa. “Vâng, chúng tôi biết gia đình bà từ miền Tây xa xôi trở về đã không kịp trồng vụ mùa, nên chúng tôi mang thức ăn đến để giúp nhà ta vượt qua lúc này.”
Trong khi ông nói thì hai đứa bé trai dỡ xuống những bao tải bột mì, ngũ cốc, đường, nhiều loại đồ hộp và thịt hun khói. Mẹ bế tôi lên và đứng dựa vào tường. “Chúng tôi không thể trả tiền...”, mẹ mở lời.
“Bà Eva, bà đã ra đi trong một thời gian dài.” Khuôn mặt nghiêm nghị của ông giãn ra. “Đây là thời kỳ khó khăn – mọi người trở về nhà bởi vì họ đã mất hết mọi thứ do phá sản.” Ông lại vẫy tay ra hiệu cho hai đứa trẻ quay trở lại chiếc xe ngựa giờ đã trống rỗng. “Gia đình nhớ hãy đến nhà thờ vào Chủ nhật tới nhé.”
Nói rồi ông nhảy lên xe ngựa và nắm lấy dây cương. “Mùa đông tới, bà sẽ giúp mang lại lương thực cho những người khác nhé.” Có cái gì đó giống như một nụ cười đã xua tan đi vẻ ngoài u sầu của ông ấy. “Chúng tôi giúp mọi người biết tự chăm sóc bản thân mình.”
Tối hôm đó, chúng tôi đã mở tiệc, và chúng tôi cũng đã đến nhà thờ vào ngày Chủ nhật. Cha mẹ tôi đã được chào đón nồng nhiệt bởi những người mà tôi chưa hề được biết.
Đông qua, và khi xuân đến, những ngọn đồi và thung lũng tạo nên thế giới riêng của tôi đã sinh động trở lại cùng với những hứa hẹn cho một cuộc sống mới. Mùa màng đã được gieo trồng và chăm nom cẩn thận. Trong suốt mùa hè, chúng tôi đóng hộp để bảo quản trái cây và rau xanh. Một vụ mùa bội thu.
Một ngày giá lạnh tháng 12, cũng là sinh nhật lần thứ năm của tôi, cha và hai anh của tôi chất thức ăn đầy xe ngựa và cả gia đình chúng tôi cùng leo lên rồi đánh xe tới một ngôi nhà đã bị bỏ hoang ở bên kia thung lũng. Tôi thu mình vào trong chăn và ngồi bên cạnh mẹ. “Đây là món quà sinh nhật quan trọng nhất đối với con”, mẹ thì thầm. “Mẹ mong rằng mai kia con sẽ nhớ nó”.
Từ chỗ ngồi thuận lợi trên cao của xe ngựa, tôi nhìn thấy cha và các anh đang lặp lại đúng cảnh mà tôi đã từng được chứng kiến một năm về trước. Tôi muốn nhảy xuống và chạy ngay tới chỗ những đứa trẻ như tôi trước đây, đang níu lấy váy mẹ của mình. Đêm đó, khi cầu nguyện, tôi đã có một cảm giác thật ấm áp, vì lí do gì tôi cũng không biết nữa. Nhưng từ trong tim mình, tôi có thể thấy những đứa trẻ đó, tôi biết rằng chúng sẽ ngủ ngon - và tôi cũng vậy.
Thời gian cứ chầm chậm trôi qua đối với một bé gái sinh trưởng vào những năm đầu thập niên 1930 ở vùng đồi núi phía nam Missouri. Khi lớn hơn, tôi cũng đã giúp mọi người chuẩn bị phần lương thực sẽ được xe ngựa chuyển tới những gia đình đã trở về nhà để tránh sự tê liệt của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tôi còn được gặp lại “người khổng lồ”, người đã đến nhà chúng tôi vào ngày mùa đông rét mướt đó. Ông ấy chính là cha của một cô bé mà sau này đã trở thành “người bạn thân nhất của tôi”. Thậm chí khi chúng tôi trưởng thành và rời vùng núi ấy để tạo dựng cuộc sống ở chốn thị thành, chúng tôi vẫn trao đổi thư từ và thường gặp nhau tại những buổi họp mặt gia đình ở quê nhà Ozarks.
Mẹ tôi đã nói đúng. Vào sinh nhật lần thứ 5 của mình, tôi đã nhận được một món quà quan trọng nhất trong đời. Tôi không bao giờ quên được lòng tốt cũng như sự hào phóng của những con người giản dị nhưng sâu sắc, những người đã tin rằng họ thực sự là người phải giúp đỡ những người anh em của mình.
Nguyện ước của mẹ tôi đã nhiều lần được đáp lại. Trong suốt sáu mươi năm qua, dù kỷ niệm ngày 4 tháng 12 ở bất cứ nơi đâu và như thế nào đi chăng nữa thì chủ đề trong ngày sinh nhật của tôi vẫn là hành động tử tế mà tôi đã chứng kiến trong sinh nhật lần thứ 5 của mình. Nó thật sự là một sinh nhật đáng nhớ.
- Elizabeth Leopard
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN

Chỉ một điều ước

Con sông Fox đã mang lại sinh khí cho vùng quê Colby Point, vì con đường và dòng sông cùng chạy song song với nhau. Colby Point thực chất là tên của con đường chạy giữa những ngọn đồi và thung lũng McHenry, bang Illinois. Nhà cửa được xây rải rác đó đây - chủ yếu là nhà nghỉ mát và nhà dành cho người đã nghỉ hưu.
Sự quan tâm lẫn nhau là điều sẽ trao cho cuộc sống tầm quan trọng và ý nghĩa sâu xa nhất của nó. (Pablo Casals)
Ở ngay cuối con đường là ba ngôi nhà đối mặt vào nhau. Ba chị em - tất cả đều độc thân và đã lớn tuổi - cùng sống ở một trong ba ngôi nhà đó. Phía bên kia đường là ngôi nhà màu vàng của cô em họ đã góa chồng. Cạnh nhà cô này là nhà của người anh trai của họ, ông Bill, cùng vợ của ông là bà Cleo.
Bà Cleo mắc bệnh đa xơ cứng, nên hai vợ chồng đã chuyển đến Colby Point để tìm kiếm một cuộc sống yên tĩnh, thoải mái. Ở đây, họ hầu như không cần phải luôn để mắt đến đứa cháu ngoại Margie như trước - một điều mà chính họ cũng không nghĩ tới khi chuyển đến vùng quê thanh bình này. Chẳng bao lâu sau, vùng quê một thời yên tĩnh nay đã trở nên huyên náo bởi những thanh âm của một đứa trẻ.
Margie luôn háo hức mong chờ đến ngày Giáng sinh, và năm ấy cũng không phải là ngoại lệ khi mùa đông bắt đầu dịu dần giống như một tấm chăn ấm áp phủ xuống Colby Point. Mọi người đang xôn xao vì tại nhà thờ mà Margie và gia đình của cô bé thường đi lễ, giáo đoàn đang chuẩn bị cho họ chia sẻ những điều ước Giáng sinh với nhau. Từ khi bà Cleo không thể đi đến nhà thờ, và ông Bill thì lại không muốn để bà ở nhà một mình quá lâu, ông thường đưa Margie đến nhà thờ vào sáng sớm Chủ nhật; mấy người dì sẽ đưa cô bé về nhà.
Sáng hôm đó, lúc ngồi trong nhà thờ, Margie đã nhẩm đi nhẩm lại trong đầu xem mình sẽ nói gì. Cô bé không lo sợ gì cả, vì cô bé biết điều ước này quan trọng như thế nào. Buổi lễ dường như cứ kéo dài lê thê.
Cuối cùng thì vị mục sư cũng nói những lời mà Margie đã mong chờ suốt cả buổi sáng: “Đây là giờ phút đặc biệt trong năm khi mà mọi người ở khắp nơi trên thế giới cùng chúc cho hòa bình đến với những người bạn của chúng ta. Năm nay, trước mặt Thánh John, chúng tôi muốn nghe những điều ước cho ngày Giáng sinh của các bạn. Chúng tôi không thể đáp ứng điều ước của tất cả mọi người, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng và thực hiện một vài điều. Khi tôi gọi tên của ai, vui lòng tiến lên đây và nói cho chúng tôi nghe điều ước trong ngày Giáng sinh của bạn.”
Những người trong nhà thờ lần lượt chia sẻ những mơ ước lớn lao cũng như bình dị của mình. Margie là người cuối cùng và cũng là người bé nhất được phát biểu. Nhìn về phía giáo đoàn, cô bé nói một cách tự tin: “Cháu ước sao bà cháu được đến nhà thờ. Bà không đi được, nên bà và ông phải ở nhà. Ông bà muốn đi nhà thờ lắm. Vì vậy, đó là điều cháu ao ước. Và xin đừng nói cho ông bà cháu biết, vì cháu muốn đó là một điều bất ngờ”.
Trên đường về nhà cùng các dì, Margie xin các dì khẽ giọng khi nói về điều ước của cô bé. Cô bé hi vọng là các dì sẽ giữ bí mật này cho mình. Đến ngày Chủ nhật tiếp theo, khi Margie chuẩn bị đi nhà thờ thì bà hỏi: “Sao trông cháu có vẻ bồn chồn vậy? Suốt cả buổi sáng cháu cứ đứng ngồi không yên.”
“Cháu chỉ biết là có một điều kì diệu sẽ xảy ra vào ngày hôm nay!”
“Dĩ nhiên là có rồi”, bà thầm cười và nói. “Cháu biết đấy, hôm nay là Giáng sinh mà.”
Ông đang mặc áo khoác thì tình cờ nhìn ra cửa sổ trước nhà. Ông thấy mấy chiếc xe hơi đang nối đuôi nhau chạy vào con đường đất. Mọi năm vào thời điểm này đâu có nhiều xe đến thế, cho nên đây quả là một điều kì lạ. Margie dìu bà về phía cửa sổ để bà có thể nhìn thấy tất cả những chiếc xe. Chỉ một lúc sau những chiếc xe ấy đã đậu dọc theo con đường đến xa hút cả tầm mắt.
Ông quay sang nhìn bà, rồi cả hai cùng nhìn Margie. Ông hỏi: “Cháu đã ước điều gì thế, Margie?”.
“Cháu ước là ông và bà có thể đi đến nhà thờ. Và cháu biết rằng nó sẽ trở thành sự thật. Ông nhìn kìa! Mục sư và mọi người trong nhà thờ đang đi về phía chúng ta”.
Giáo đoàn đến còn mang theo cà phê, bánh kẹo, tách chén và quà. Họ cùng hát vang bài ca Giáng sinh và lắng nghe vị mục sư giảng giải về ý nghĩa của việc trao tặng mọi người những món quà mà Chúa đã ban tặng. Khuya hôm đó, Margie lẻn ra cửa sau và bước ra ngoài ngước nhìn lên những vì sao. Cô bé thì thầm: “Cám ơn. Cám ơn ngài đã thực hiện điều ước của con.”
Đó chỉ là một trong rất nhiều điều ước mà Margie đã được ban tặng. Tuổi thơ của cô bé ngập tràn tình yêu thương của ông bà, của bốn người dì và của rất nhiều người hàng xóm từng trải và chu đáo. Margie thực sự là một cô bé rất hạnh phúc.
Và bạn biết không – tôi chính là cô bé đó.
- Margaret E. Mack
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN
Chuyến đi dài ngày


Betty Olsen đang yên ổn tận hưởng những năm tháng hạnh phúc cùng chồng của mình. Đứa cuối cùng trong năm đứa con của họ chuẩn bị dọn ra sống riêng, vì vậy vợ chồng họ dự tính đi du lịch. Thế nhưng sau 33 năm chung sống, chồng bà đã khiến bà khá ngạc nhiên.
Cuộc sống tựa như việc đi xe đạp, bạn sẽ không ngã trừ phi bạn ngừng chân. (Claude Pepper)
Ông báo với bà: “Tôi sẽ ra đi”. Ông đã tìm đến một phụ nữ khác, trẻ hơn ông đến 12 tuổi.
Nỗi đau ấy xé nát cả tâm hồn lẫn thể xác bà. Với bà, cuộc sống dường như đã chấm dứt – ít nhất đó cũng là cuộc sống đã quen thuộc với bà trong suốt ba thập kỷ qua.
Betty nói: “Bắt đầu lại mọi thứ ở độ tuổi năm mươi lăm quả thật không phải là chuyện đơn giản”. Nhưng rồi bà hiểu rằng nếu cứ ngồi tiếc thương cho bản thân thì cũng chẳng ích gì. Vì thế bà bắt đầu lao vào công việc. Bà tham gia vào chương trình diễn thuyết, trở thành tình nguyện viên của Hội những bệnh nhân ung thư của Mỹ và giảng dạy tại viện bảo tàng mỹ thuật ở địa phương với tư cách như một giáo sư. Bà chơi bài Brít, đánh quần vợt, làm việc tại ngân hàng máu ở địa phương và được công nhận như một y tá.
Nhưng cho dù Betty có bận rộn thế nào đi chăng nữa thì lòng bà vẫn còn nguội lạnh và cô đơn. Không có gì thật sự thu hút tâm trí bà. Thế rồi một ngày kia, có hai người bạn đến rủ bà cùng tham gia một chuyến đi xe đạp. Nhưng đó không phải là một chuyến đi xe đạp bình thường, mà là một chuyến đạp xe tập thể – một cuộc hành trình dài sáu mươi bốn dặm băng đèo Gilroy, bang California.
Hai người bạn đó đã không cho Betty - lúc đó đã 60 tuổi - biết trước quãng đường của chuyến đi là bao xa. Bà cười lớn: “Nếu biết trước thì tôi chẳng bao giờ đi theo họ”. Trước đây, Betty đã từng đạp xe vòng vòng trong thị trấn, song chỉ loanh quanh gần đó thôi.
Ba người bạn hăng hái lên đường cùng với những thành viên khác của đoàn. Khi Betty thở hổn hển đạp lên đồi, bà không thể tin được rằng phong cảnh thôn quê lại đẹp đến thế - nào là những lùm cây ngải đắng, nào là vô số bụi cây xanh mượt như nhung... Không gì có thể so sánh được với cảm giác khi được ngắm những đóa hoa dại bên đường, được ngửi thấy hương thơm ngọt dịu, ẩm ướt của núi rừng, cả khoảnh sân trước nhà của người dân nữa.
Đó chính là lúc Betty cảm thấy chuyến đi thực sự cuốn hút mình. Khi cuộc hôn nhân đổ vỡ, bà quyết tâm sẽ tìm đến những chân trời mới, những thế giới mới để khám phá, và những ước mơ mới để mơ ước. Bà bộc bạch: “Cuộc sống thực sự bắt đầu khi tôi bước vào độ tuổi sáu mươi!”.
Thành viên mới đầy nhiệt tình này đã gia nhập hai câu lạc bộ xe đạp và bắt đầu rong ruổi khắp nơi trên yên xe. Lúc đầu, bà đạp xe khoảng một trăm dặm ở vùng Inland Passage - bang Alaska, nơi bà được tận mắt nhìn thấy những dấu chân gấu in trên mặt đất, được ngắm những con chim ưng vàng bay lượn trên không trung, và ngắm nhìn những chuyến tàu tuần tra từ trên đỉnh núi cao chót vót. Mùa hè kế tiếp thì bà du lịch đến New Zealand.
Nhưng đối với Betty thì những chuyến đi ấy vẫn chưa đủ. Bà muốn thử sức trong những chuyến đi nhiều thách thức hơn - chẳng hạn như đạp xe băng đoạn đường dài hai ngàn năm trăm dặm hoặc hơn thế. Chuyến đi đường trường đầu tiên của bà là chuyến đi băng đồng từ San Diego đến Jacksonville, bang Florida. Đó là một chuyến đi kéo dài năm tuần, mỗi ngày bà phải đạp xe tám mươi dặm.
Các con của bà đều rất lo sợ, còn cô em gái thì khuyên: “Chị đừng tham gia. Nguy hiểm lắm”. Betty thú thật: “Chị cũng không chắc mình có thể thực hiện nổi không”.
Nhưng không gì có thể ngăn cản Betty, và bà chẳng hề hối tiếc khi thấy mình đang ở giữa những ngọn thông cao vút và những cánh đồng đầy đậu lupin xanh rờn. Bà nhận xét: “Tôi chưa từng được thấy điều gì tương tự như vậy cả!”.
Chẳng những muốn được tận hưởng những thắng cảnh của thiên nhiên, Betty còn muốn mở rộng những giới hạn của bản thân và khám phá nguồn sức mạnh nội tại chưa được biết đến. Cảm thấy phấn khởi nên bà đã thuyết phục cậu con trai 43 tuổi của mình cùng tham gia vào những chuyến đi ngắn hơn, chẳng hạn như chuyến đi đến Tierra Bella dài 50 dặm.
Giờ đây, ở độ tuổi bảy mươi ba nhưng vẫn chưa phải là già, Betty đã thực hiện được tổng cộng ba chuyến đạp xe băng đồng, đã qua bốn mươi bảy tiểu bang, đến thăm mười ba khu công viên quốc gia. Bà nhẩm tính mình đã đi được hơn bảy mươi ngàn dặm trên yên xe kể từ lúc bắt đầu các chuyến phiêu lưu mạo hiểm tuyệt vời này.
Betty đã làm quen với rất nhiều người bạn có chung sở thích đi xe đạp, bà cũng đã hai lần nhận được lời đề nghị tái hôn. Bà nói: “Tôi từ chối cả hai người vì họ không có sở thích đạp xe hay đi bộ như tôi”. Betty nghĩ bà thích người nào năng động một chút.
Niềm đam mê đạp xe cùng những cuộc hành trình gian khó của bà - kể cả chuyến đi từ San Francisco đến Washington, D.C và từ Washington đến Maine - đã gây sự chú ý cho giới báo chí - những người đã viết hàng chục bài báo về bà.
Bà nói: “Tôi cảm thấy mệt, nhưng lại rất phấn khởi. Tôi thấy khỏe khoắn hẳn lên. Vóc dáng của tôi cũng trở nên thon gọn nhất từ trước đến nay. Đó còn là phương thuốc trị bệnh cô đơn nữa. Tôi có rất nhiều bạn bè. Và việc đạp xe cũng không quá vất vả. Khi thực hiện những chuyến đi như thế thì bạn không phải đi làm, không phải đi chợ, không nấu nướng, không phải hội họp cũng không bận rộn việc nhà. Và tôi còn muốn hiểu thêm về lịch sử đất nước của mình nữa”. Rõ ràng thú đạp xe còn giúp cho Betty hiểu rõ bản thân mình hơn.
Người phụ nữ mẫu mực này - một người khỏe mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần - đã được chứng kiến những cảnh tượng mà có thể những người khác chưa từng được thấy trong đời. Một lần nọ, khi đạp xe thành một hàng dọc quanh khu Yellowstone cùng với vài người bạn khác thì một đàn trâu cũng tham gia xếp thành một hàng dọc theo họ băng qua sông. Tại Costa Rica, bà đã tận mắt thấy một chú khỉ đu từ cây này sang cây khác rồi hướng thẳng về phía mình. Rồi vào một kỳ hè nọ, bà được ngắm cả một đàn bướm rực rỡ bay lượn ở vùng Ozarks.
Những trải nghiệm tuyệt diệu này là lý do khiến Betty hầu như không thể từ bỏ việc tham gia các chuyến đi bằng xe đạp, thậm chí ngay cả sau khi bà bị trúng đạn tại thung lũng Napa. Lúc bà đang đạp xe ở tốp cuối cùng thì một cậu bé đã bắn trúng vào bà bằng một cây súng hơi. Bà phải nằm viện mất hai đêm, nhưng các bác sĩ kết luận rằng nếu gắp viên đạn ra thì sẽ rất nguy hiểm nên họ quyết định cứ để nguyên ở đó.
Chỉ hai tuần sau, người phụ nữ dũng cảm này - dù vẫn còn mang viên đạn trong người - lại lên xe đi tham quan vùng phía Đông Sierras. Bà đã học được cách không để cho khúc quanh nhỏ đó ngăn cản mình tiếp tục thám hiểm một thế giới mới vừa được khám phá.
Bà giải thích: “Đạp xe quả thật rất thú vị. Tôi chỉ không có đủ thời gian để làm tất cả những gì mình thích. Chẳng hạn như tôi thích làm vườn, nhưng cỏ dại mọc còn nhanh hơn sức tôi. Tôi cũng thật sự rất muốn ở bên con cái và gia đình mình, nhưng tôi nghĩ việc đạp xe đã mở ra một chương mới trong cuộc đời tôi”.
“Khi đạp xe qua đường mòn Oregon, Santa Fe và Natchez, tôi thấy mình thật giống với những nhà thám hiểm.” Bà sôi nổi nói thêm: “Hy vọng những khám phá mới của tôi sẽ giúp xóa bớt định kiến của mọi người trong gia đình tôi”.
Ai mà biết được? Có thể một số thành viên trong gia đình bà đã sẵn sàng tham gia vào những cuộc hành trình mới để mở rộng phạm vi hiểu biết của mình. Hai cậu cháu trai sẽ cùng bà tham gia chuyến đi sắp tới tại Tierra Bella, còn mấy đứa cháu gái lúc đến thăm bà đã hăng hái đề nghị: “Bà ơi, bà cháu mình đạp xe đi chơi đi bà”.
Betty đỡ mấy đứa cháu của mình lên, đặt một đứa lên chiếc xe ba bánh, một đứa lên chiếc xe có hai chỗ ngồi hình trái chuối. Còn bà thì nhảy lên chiếc đạp của mình, rồi cả ba bà cháu đạp xe qua khắp năm dãy phố cho đến khi hai đứa nhóc mệt nhoài. Chúng đã rất phấn khởi khi thực hiện cuộc hành trình ngắn ngủi đó, cuộc hành trình mà có thể là trải nghiệm đầu tiên trước khi chúng tham gia vào những cuộc thám hiểm mở rộng biên giới của cuộc đời mình – giống như người bà của chúng vậy.
- Diana L. Chapman Woody McKay Jr.
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN