Tôi đã dẫn dắt đội Dallas Cowboys tham dự giải Vô địch Thế giới từ năm 1960 cho đến khi tôi về hưu năm 1988. Trừ khoảng thời gian làm phi công lái máy bay oanh tạc B-17 trong Thế chiến thứ hai thì cuộc đời tôi chỉ xoay quanh quả bóng tròn.
Có một khát vọng còn cao quý hơn cả việc được đứng đầu trong thiên hạ, đó là việc cúi xuống để nâng đỡ đồng loại của mình. (Henry Van Dyke)
Tôi yêu cảm giác hồi hộp trước mỗi trận đấu, yêu niềm hạnh phúc mỗi khi ghi bàn, tiếng hò hét của đám đông, niềm vui ngất ngây sau mỗi trận thắng, yêu những trải nghiệm chỉ có được qua những lần tranh tài trong trận siêu cúp và yêu cảm giác chiến thắng được vài lần trong những cuộc tranh tài ấy.
Cảm giác hoàn toàn mãn nguyện khi dạy cho các cầu thủ cách tự rèn luyện bản thân, cách phát triển những kỹ năng và cách phối hợp cùng đồng đội chính là động lực của cuộc đời tôi. Việc khuyến khích các cầu thủ nỗ lực hết mình để giành chiến thắng cũng như giành được sự ủng hộ của các cổ động viên là điều rất quan trọng đối với tôi.
Nhưng còn có một phần đời khác trong cuộc đời của tôi mà không mấy ai trong số hàng triệu cổ động viên biết được - đó là tôi muốn phụng sự cho Thượng đế, cho gia đình mình và giúp đỡ những trẻ em đang gặp hiểm nguy.
Từ nhiều năm qua, tôi đã làm việc tại Trang trại Đồi Hạnh Phúc - đó là một trại trẻ và cũng là một trường học đặc biệt tọa lạc trên những ngọn đồi ở Texas. Chúng tôi chỉ đơn giản gọi nó là “Trang trại”; đó là một khu đồn điền rộng năm trăm mẫu nuôi đầy đủ các loại ngựa, gia súc và quan trọng nhất là có hàng trăm đứa trẻ với những nỗi đau và các vấn đề khác nhau mà chính gia đình của các em không có khả năng hoặc không muốn giúp đỡ các em.
Tôi đã từng chứng kiến những trận thắng vẻ vang trên sân cỏ, nhưng tôi cũng đã từng tận mắt thấy những chiến thắng còn vẻ vang hơn nhiều của hàng trăm trẻ em nơi đây kể từ ngày Ed và Gloria Shipman mở rộng tấm lòng của mình và thành lập mái ấm này cách nay khoảng 25 năm.
Có một số em đã phải trải qua những nỗi kinh hoàng không thể nào tưởng tượng được và mang theo mình những vết thương tinh thần khủng khiếp. Nhưng thông thường, những đứa trẻ từng bị ngược đãi này sẽ rời khỏi trang trại, mang theo một cuộc sống đã được chữa lành, một tấm bằng tốt nghiệp phổ thông trong tay và sẵn sàng hòa nhập lại với thế giới.
Mặc dù mỗi đứa trẻ đều đặc biệt như nhau, song có một vài đứa mà tôi vẫn nhớ hơn so với những đứa còn lại. Tôi sẽ không bao giờ quên được John, một cậu bé ốm yếu sống cùng với mẹ trong một chiếc xe hơi bị vứt bỏ ở bãi rác Fort Worth trước khi đến trang trại. Hay như Frieda, một bé gái bị cha dượng và thằng con riêng của hắn lạm dụng tình dục.
Và cả Jack nữa, cha Jack đã bỏ rơi gia đình cậu bé, để lại người mẹ đơn độc và đứa con trai nhỏ dại lúc nào cũng muốn tự vẫn. Jack đã cố tự sát nhiều lần trước khi đến sống tại Trang trại này. Còn Amy thì bố mẹ đang phải ngồi tù. Nếu người bà tuyệt vọng của cô bé không tìm thấy Trang trại Đồi Hạnh Phúc thì có thể Amy đã bị giết rồi.
Và sau cùng là Tip, một cậu bé rất thú vị đến từ một thị trấn nhỏ ở Texas, gần “Trang trại Đồi Hạnh Phúc”. Bản lý lịch của Tip cho thấy cậu gặp đủ thứ chuyện rắc rối. Và đến khi cậu đánh thầy giáo thì một quan tòa đã đề nghị đưa cậu đến Trang trại. Tip chỉ mới mười hai tuổi, nhưng trông cậu lớn hơn nhiều so với độ tuổi của mình. Khó mà khẳng định được tóc cậu có phải màu đỏ hay không vì cha cậu luôn cạo trọc nó. “Vậy để khỏi có chí”, Tip chua cay.
Tip được người ta gán cho biệt danh “kẻ cặn bã trắng hếu”. Trong ngôi nhà tạm bợ của cậu không có hệ thống ống nước nên mọi người trong gia đình cậu phải uống nước giếng và tắm gội ở một nhánh sông gần đó. Vấn đề vệ sinh cá nhân cũng như các kỹ năng giao tiếp xã hội không phải là mối quan tâm của gia đình này. Tip sống bất cần, không mục đích và không kiên định.
Sau khi được gởi đến Trang trại, chúng tôi đã phải dạy cậu bé cách dùng dao và nĩa khi ăn. Vì thằng bé đã quen ở ngoài đường nên chúng tôi phải dỗ dành mãi nó mới chịu vào nhà để ngủ trên giường. Tôi còn nhớ có lần Tip đã đi ngang đi dọc trong nhà, gõ vào mấy cái bình và mấy cây đèn bàn để làm ra vẻ là tay anh chị. Nhưng thật ra Tip chẳng cần phải làm ra vẻ như vậy bởi vì mỗi lời nói phát ra từ miệng cậu bé đều đã được chêm vào những từ tục tĩu.
“Tôi ghét tất cả các quy định này!”, Tip đã nhiều lần hét lên như thế. Nhưng có một điều mà Tip ghét nhất - đó chính là việc bị giam vào nhà tù dành cho trẻ vị thành niên. Tip đã được nghe kể về nơi đó, và cậu quyết định rằng mình phải tránh xa cái nhà giam đó bằng bất cứ giá nào. Thế là cậu bắt đầu tuân theo những quy định của Trang trại.
Thế mà chúng tôi vẫn phải tốn mất nhiều ngày để thuyết phục Tip chịu ngồi vào lớp học. Việc dỗ cho cậu bé chịu học thì lại phải mất thêm nhiều tuần nữa. Còn việc thay đổi những lời nói tục tĩu của cậu bằng những ngôn từ dễ nghe hơn thì phải mất nhiều tháng liền. Nhưng có lẽ thử thách lớn nhất là làm sao xóa bỏ tính hiếu chiến của Tip. Cần phải có một tình yêu thương bao la và những phương pháp rèn luyện thích hợp mới có thể giúp Tip dần dần tin tưởng vào những người có thẩm quyền và tin tưởng vào xã hội.
Và rồi tôi đã thấy Tip từ từ thay đổi. Trong suốt những năm làm huấn luyện viên cho đội tuyển Cowboys, tôi đã được chứng kiến rất nhiều sự thay đổi ấn tượng, khi mà các cầu thủ sống có kỷ luật hơn, kinh nghiệm hơn và tích cực hơn. Nhưng những đổi thay mà tôi thấy nơi Tip cũng như nơi những đứa trẻ từng bị đánh đập và hành hạ khác đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc hơn tất cả những gì tôi từng được chứng kiến trên sân cỏ.
Cuối cùng thì Tip cũng tốt nghiệp phổ thông tại trường học của Trang trại. Cậu là người đầu tiên trong đại gia đình của mình theo học đầy đủ đến ngày tốt nghiệp. Tip cũng là chàng trai đầu tiên trong gia đình không phải ngồi tù tại Texas. Những thành quả của Tip là một trong những bàn thắng vĩ đại nhất mà tôi từng ghi được. Nhưng cuộc đời đầy biến động của Tip còn có nhiều kỳ tích khác nữa.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tip đi làm tại một mỏ dầu ở miền Tây Texas. Cậu dành dụm tiền và cho lắp hệ thống nước máy trong nhà của mình. Cậu còn mua cho mẹ một chiếc xe hơi, giúp mấy đứa em gái được đến trường. Sau đó, cậu trở về quê nhà làm nghề thợ máy. Hiện Tip đã lập gia đình và có bốn đứa con.
Cái vòng luẩn quẩn của sự bần cùng, tính hung bạo, cảnh tù đày đã bị Tip phá bỏ. Chiến thắng của cậu bé trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được là một chiến thắng phi thường mà tôi vinh dự được góp một phần nhỏ. Tôi yêu bóng đá - luôn luôn và sẽ mãi mãi yêu nó - nhưng việc chắp vá những mảnh đời và trái tim của những cô bé, cậu bé như John, Frieda, Jack, Amy và Tip cho tôi cảm giác hạnh phúc mà chẳng có sự cuồng nhiệt nào trên sân cỏ có thể sánh được. Cho các em một cơ hội thuận lợi để chúng thực hiện những ước mơ của mình mới chính là thắng lợi tuyệt vời hơn cả việc đoạt được siêu cúp.
- Tom Landry
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN
Chú Lý và cô Sarah Vương
Khi tiếp xúc với những người phụ nữ trên thế giới, tôi đã được nghe kể vô số câu chuyện cảm động về cuộc sống, cái chết và cả tình yêu của họ. Những xúc cảm của con người dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng đều giống nhau. Trái tim con người bao giờ cũng khao khát được cảm thông, được tha thứ, chấp nhận và duy trì nòi giống qua các thế hệ.
Điều đó đã được thể hiện qua một câu chuyện xảy ra ở Singapore – câu chuyện ấy có thể khiến bao trái tim ở khắp nơi trên thế giới phải rung động.
Buổi sáng đầy nắng, tôi rảo bước đến quán cà phê yêu thích của mình. Tại Singapore, dùng điểm tâm trong quán cà phê trên đường đi làm là điều bình thường. Tôi ngồi tại chiếc bàn quen thuộc của mình, thưởng thức tách cà phê nóng hổi, thơm dịu và dùng một cái bánh bao - loại bánh ưa thích của người Hoa. Tôi nhìn qua cửa sổ hướng ra góc phố, mắt nheo lại do bị chói nắng.
Tôi thấy thiếu thiếu một cái gì đó - người bán báo thường ngày không còn ở đó nữa. Chú ấy đã luôn ở đó - chiếc xe đạp tồi tàn của chú dựa vào những cửa hiệu màu xanh của kiều bào người Hoa còn những chồng báo thì được xếp gọn gàng đặt ngay bên cạnh. Hôm nào chú đến trễ làm tôi không thể mua báo được thì tôi sẽ rất nhớ nụ cười để lộ cả hàm răng của chú, nhớ cả lời chào vui vẻ “Chou San” (chào buổi sáng) của chú.
Hầu hết khách quen của quán cà phê đều yêu quý và gọi chú bằng “Chú”, đây là cách xưng hô biểu lộ sự kính trọng của người Hoa. Vẻ ngoài nghèo khó không hề che lấp đi sự thông thái cũng như lòng tốt của chú. Khuôn mặt nhăn nheo cùng chòm râu quai nón khiến chú trông như một nhà hiền triết.
Dường như chú Lý đã góp phần làm cho cuộc sống của tôi được yên bình hơn. Chú chỉ đơn thuần là một người bán báo dạo, nhưng sự vui vẻ của chú – hệt như tiếng chim hót vào buổi sớm mai – đã tạo nên âm sắc riêng cho một ngày mới. Lời chào “Chou San” của chú đã khiến những ai đến mua báo cũng đều phải nhoẻn miệng cười. Nét hài hước của chú luôn lan tỏa từ góc phố nơi chú đứng vào tận bên trong quán cà phê.
Quan sát chú Lý và khách hàng của chú là niềm vui của tôi vào mỗi buổi sáng sớm. Đáng chú ý nhất trong số những khách hàng của chú là một thiếu nữ đáng yêu người Hoa. Sáng nào cũng xuất hiện trong bộ trang phục tươm tất, cô đỗ chiếc xe hơi màu đen ở bên vệ đường, bước ra khỏi xe, đến chỗ chú Lý mua báo và khi ra về thì không quên nở một nụ cười chào chú.
Khuôn mặt đầy nếp nhăn của chú Lý thoáng xúc động khi cô gái tỏ ra chú ý đến tôi. Nét mặt tươi vui của chú dãn ra, và rồi một cảm xúc sâu xa hơn xuất hiện thế chỗ. Đó là một cảm xúc rất quen thuộc nhưng tôi không sao định rõ được.
Vì vậy, cũng giống như chú Lý, sáng nào tôi cũng chờ đợi sự xuất hiện của người thiếu nữ duyên dáng đó. Mái tóc đen bóng của cô được cắt ngắn quá vai để lộ khuôn mặt trái tim cùng làn da trắng mịn và đôi mắt đen e lệ. Nhưng nét đẹp nổi bật nhất nơi cô chính là nụ cười - chính nụ cười ấy làm cả khuôn mặt của cô sáng bừng lên. Mỗi khi cô gái ấy đi khỏi thì khuôn mặt của chú Lý trông giống như mặt trời bị một áng mây đen che khuất.
Sáng hôm đó, bất ngờ có tiếng phanh xe thắng kít lại, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi và khiến cho dòng người đang lưu thông trên đường phải hoảng sợ. Sau đó là cảnh náo loạn. Tôi rướn cổ để nhìn rõ hơn. Chuyện gì đã xảy ra? Ai bị tai nạn? Một đám người lập tức xúm lại, che khuất tầm nhìn của tôi. Tiếng lào xào bàn tán làm tôi chẳng hiểu gì, và tôi cũng không thể định rõ được chuyện gì đã xảy ra.
Tò mò, tôi chen người vào đám đông tụ tập ở bên đường. Cảnh tượng đầu tiên mà tôi thấy là một chiếc xe đạp bị cong quẹo hệt như một tác phẩm điêu khắc hiện đại. Những tờ báo bị gió cuốn tung và rơi rải khắp mặt đường. Nhiều người qua đường đã nhặt chúng lên, nhưng số khác lại dẫm chân lên chúng vì muốn chen chân vào gần hiện trường hơn.
Tôi cầu nguyện: “Lạy trời! Xin cho người bị nạn không phải là chú Lý!”. Nhưng rồi tôi lại quay bước trở về quán cà phê và ngồi quan sát cảnh nhốn nháo đó qua khung cửa sổ như một kẻ hèn nhát.
Xe cảnh sát và xe cứu thương hụ còi inh ỏi càng làm tăng thêm cảnh huyên náo. Hai viên cảnh sát đỡ một thiếu nữ lên và dìu vào quán, trông cô tơi tả như một con búp bê bằng vải. Đó là cô gái vẫn thường lái chiếc xe hơi màu đen! Thật không thể tin được. Cảnh sát ngó quanh quán như mong nhận được sự giúp đỡ.
Tôi nhẹ nhàng đỡ lấy tay cô gái rồi đưa về bàn mình. Cảnh sát nói rằng các nhân chứng cho biết đó không phải là lỗi của cô gái mà là do xe của ông lão bị mất thăng bằng và chệch hướng đâm vào xe cô. Tôi còn biết thêm rằng họ đã không thể tìm được thân nhân của ông cụ, nhưng cô gái đã đồng ý chịu mọi phí tổn cho việc điều trị.
Cô gái ký vào tờ biên bản mà cảnh sát đặt ngay trước mặt cô. Sau đó họ mất hút vào đám đông, để lại tôi với cô gái đang trong tình trạng bấn loạn. Cô nắm chặt lấy tách cà phê bằng đôi bàn tay run rẩy. Cô nhắm nghiền mắt và hớp thật sâu một ngụm cà phê nóng ấm dễ chịu.
Vài phút trước đó, tôi cảm giác mình chỉ là người ngoài cuộc trước mọi việc cũng như bao người khác. Nhưng chính người thiếu nữ đang hoảng loạn ngồi trước mặt đã khiến tôi bị lôi kéo vào bi kịch này. Khuôn mặt cô gái nhăn lại như một đứa trẻ, rồi cô nói: “Không hiểu sao tai nạn lại xảy ra. Chiếc xe đạp từ đâu lao ra, rồi đâm sầm vào chiếc xe hơi. Sao chú Lý lại không kiểm soát được nó chứ?”. Vừa lắc đầu, cô vừa lẩm bẩm nói trong nước mắt: “Làm sao chuyện này lại có thể xảy ra chứ?”.
Cô gái nhìn tôi khẩn khoản: “Anh làm ơn đi cùng tôi đến bệnh viện nhé”. Tôi đồng ý và dùng điện thoại di động gọi về văn phòng để báo rằng tôi sẽ đến trễ. Cô nói tiếp: “Tôi phải gặp chú ấy. Tôi phải gặp để xin lỗi chú ấy”. Tôi hiểu rằng để lòng được thanh thản, cô cần phải tận mắt thấy ông lão được chăm sóc đầy đủ, không đau đớn và vẫn còn sống.
Cô ấy chẳng còn tâm trí để lái xe, vì vậy chúng tôi đi bằng taxi. Chiếc xe len lỏi trong dòng người ngược xuôi để đến Bệnh viện đa khoa Singapore. Suốt thời gian ngồi trên xe, chúng tôi chỉ chìm đắm trong dòng suy nghĩ của riêng mình. Tôi nghĩ về tai nạn lúc sáng và chợt nhận ra mình chẳng biết gì nhiều về cô gái rất ấn tượng này cả, thậm chí tôi còn không biết tên của cô ấy là gì nữa! Vì thế tôi đã tự giới thiệu về mình, và hỏi xem cô tên gì.
“Tôi tên là Sarah Vương.”
“ Thế cô có gia đình không, hay có ai để tôi gọi điện báo tin không?”
“Không, tôi mồ côi từ nhỏ và được một phụ nữ lớn tuổi giàu có nhận về nuôi. Tôi gọi dì ấy là Dì.”
Tôi còn được biết cuộc sống của cô đã trôi qua trong êm đềm, không có điều gì đau buồn, ngoại trừ một khoảng trống trong lòng do cô vẫn chưa được biết mặt cha mẹ ruột của mình.
“Dì tôi đã khá lớn tuổi, vì thế tôi không muốn dì phải lo lắng vì tai nạn này.” Sarah chạm tay vào cây thánh giá nạm kim cương trước ngực. Chắc chắn đó là món quà mà dì của cô tặng, cũng là biểu tượng của tình yêu thương và sự hào phóng của bà.
Sau cùng chúng tôi cũng đến được bệnh viện. Cả Sarah và tôi đều hết sức lo lắng không biết tình hình của chú Lý ra sao. Chúng tôi hỏi thăm và được biết ông cụ đang nằm trong phòng phẫu thuật. Chúng tôi lặng im chờ đợi. Tim tôi nhói đau khi nhìn thấy khuôn mặt dằn vặt, đau khổ của Sarah. Khi bắt gặp ánh nhìn thông cảm của tôi, một nụ cười ngập ngừng thoáng nở trên làn môi mềm mại, tươi tắn của cô. Tôi thật sự rất muốn được xoa dịu nỗi sợ hãi trong cô.
Chẳng bao lâu sau, một vị bác sĩ mặc áo choàng dài màu xanh, che khẩu trang kín mặt bước vào phòng chờ. Chúng tôi đứng dậy chào ông khi ông đảo mắt nhìn khắp phòng như đang muốn gặp ai. Chắc hẳn ai đó đã nói cho ông biết về Sarah. Bác sĩ giải thích: “Ông Lý bị thương nặng ở lồng ngực, nhưng chúng tôi đã ngăn chặn được tình trạng xuất huyết nội”. Ông nói tiếp: “Ông cụ hiện rất yếu, và mạng sống của ông mong manh như đang treo trên sợi chỉ mành. Dẫu có vượt qua được thì ông cụ cũng sẽ sống trong đau đớn suốt quãng đời còn lại”.
Sarah hỏi nhỏ: “Chúng tôi vào thăm ông cụ được chứ?”. Bác sĩ cho phép chúng tôi vào phòng chăm sóc đặc biệt để thăm chú Lý.
Hoang mang vì đau khổ và mặc cảm tội lỗi, Sarah cứ tự trách mình và lúc nào cũng dằn vặt không biết làm thế nào mà cô lại có thể tránh được tai nạn đó. Toàn thân cô run lên. Tôi choàng tay qua vai cô và dìu vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Chúng tôi được hướng dẫn đến giường bệnh của chú Lý. Vô số dây nhợ được nối vào người khiến chú Lý trông giống như một con rối đã bị ngã. Chú thở rất nặng nhọc và khó khăn, tôi tưởng như sắp nghe thấy những tiếng nấc hấp hối phát ra từ cổ họng của chú.
Vì Sarah, tôi đã rất mong chú Lý được sống; nhưng giờ đây thì vì chú, tôi lại mong sao chú hãy thanh thản ra đi. Chú sẽ không bao giờ còn đạp xe được nữa, sẽ không bao giờ còn được bán báo nữa. Còn chúng tôi sẽ không bao giờ được nghe lời chào “Chou San” vui vẻ của chú nữa. Tôi lấy chiếc khăn tay nhàu nát trong túi ra lau những giọt nước mắt không ngừng rơi trong khi cô bạn trẻ của tôi vẫn đứng bất động, chết lặng vì đau buồn.
Chú Lý đang cố mở mắt. Đôi mắt chú chớp chớp rồi từ từ mở ra. Tôi thấy dường như chú đang mỉm cười. Tôi còn thấy một điều gì đó khác nữa – một cảm xúc mà trước đây tôi đã không thể hiểu được – giờ đây dường như đang sống lại khi chú hé mắt nhìn khuôn mặt của người thiếu nữ. Tôi có cảm giác mình là một người ngoài cuộc đang chen vào giây phút thân tình của hai người.
Chú nhấc cánh tay của mình lên một cách yếu ớt. Cô gái đưa tay ra đỡ lấy, cô nghẹn ngào đến nỗi không thể thốt lên được những lời mà cô định sẽ nói với chú. Toàn bộ sức lực tập trung trên khuôn mặt của chú, và xúc cảm mà tôi được chứng kiến lúc nãy giờ đây cũng đang hiện rõ trên khuôn mặt của chú. Chú nói với Sarah: “Ngo ke chai” (con của ta). Cô gái đáp lại đầy xúc động: “Ahpah” (bố ơi).
Mọi thứ trở nên dễ hiểu, và tôi đã nhận ra được tình cảm khó lý giải ấy. Điều mơ hồ trước đây giờ đã có thể được định rõ. Tình cảm đó thật đẹp đẽ, giống như vẻ đẹp rực rỡ của ánh sao hôm. Trong khoảnh khắc đáng nhớ ấy, tình yêu đã truyền từ một ông lão đang hấp hối để lấp đi khoảng trống trong trái tim của cô gái trẻ – hệt như tình yêu của người cha đối với con của mình. Mỉm cười một cách thanh thản, chú Lý mãn nguyện chìm dần vào giấc ngủ vĩnh hằng.
Sarah và tôi trở thành bạn, buổi sáng định mệnh ấy đã gắn kết chúng tôi với nhau. Chúng tôi đến thăm em gái của chú Lý, cũng là người thân còn lại duy nhất của chú. Tại nhà bà, chúng tôi thấy bên cạnh bức ảnh của chú là hình của một phụ nữ trẻ. Tôi giật mình khi thấy có sự giống nhau đáng kinh ngạc đến thế! Cứ như thể tôi đang nhìn Sarah vậy.
Em gái chú Lý cho biết người phụ nữ trong hình chính là vợ của chú Lý. Bà đã mất lúc sinh con, và đứa con gái bé bỏng của họ cũng mất ngay khi vừa chào đời. Chú Lý rất yêu người vợ trẻ, và hẳn là chú cũng sẽ rất yêu quý cô con gái của mình. Sarah đã khiến hình ảnh của cả hai mẹ con như được sống lại, và chú Lý cũng đã để lại một gia sản cho Sarah, đó chính là tình yêu thương.
- Audrey Bowie
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN Dòng đời tất bật
Tôi sống trên những ngọn đồi cao, và thể xác tôi đang ngày một già đi. Một ngày nọ, tôi ra vườn nhổ cỏ và cảm thấy người rất mệt. Tôi bèn ngả lưng xuống thảm cỏ nghỉ ngơi như tôi vẫn thường làm khi còn bé.
Nhân danh Thượng Đế, hãy dừng lại trong chốc lát, hãy tạm ngừng công việc lại, hãy ngắm nhìn cuộc sống xung quanh... (Leo Tolstoy)
Vài phút sau khi tỉnh dậy, tôi thấy một người hàng xóm mà tôi chưa từng được gặp mặt đang cúi xuống nhìn tôi, ông ấy vừa thở hổn hển vừa hỏi tôi có khỏe không. Qua khung cửa sổ cách ngọn đồi nơi tôi đang ở hai dãy nhà, ông nhìn thấy tôi đang nằm trên bãi cỏ, và tôi chắc là cảnh tượng đó trông tôi giống như đã bị đột quỵ hoặc lên cơn đau tim. Thế nên ông chạy một mạch lên đồi dốc để xem tôi có bị làm sao không.
Thật là ngượng hết sức, nhưng cũng cảm động biết bao. Sau khi nghe tôi giải thích mọi chuyện, ông ấy đã thở phào nhẹ nhỏm và nằm xuống thảm cỏ, bên cạnh tôi. Chúng tôi cứ nằm lặng yên như thế một hồi lâu, rồi ông ấy nói: “Cảm ơn ông bạn đã quyết định nằm nghỉ trên thảm cỏ này, nơi tôi có thể trông thấy ông bạn mà chạy đến đây. Bầu trời đẹp biết bao, và tôi không thể nhớ được lần cuối cùng mình ngắm nhìn nó là khi nào nữa”.
- Random Acts of Kindness
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN
Nhà hảo tâm ẩn mặt
Trong những năm đầu của thập niên 1910, bố tôi là tài xế riêng cho một ông chủ giàu có và đã chứng kiến ông ấy bí mật giúp đỡ rất nhiều người đang gặp khó khăn dù biết rằng họ sẽ chẳng bao giờ có thể đền đáp được.
Thông thường, niềm vui sẽ đi cùng với việc giúp đỡ người khác. (Paul Newman)
Trong số những câu chuyện bố kể cho tôi nghe, có một việc mà tôi vẫn nhớ mãi. Ngày hôm đó, bố tôi lái xe chở ông chủ đến một thành phố khác để dự buổi họp kinh doanh. Ra tới vùng ngoại ô, họ dừng lại để ăn bữa trưa là bánh xăng-uých.
Trong lúc họ đang ăn thì có vài cậu bé chơi lăn vòng ngang qua chỗ “chiếc xe hơi rẻ tiền” của họ. Trong số đó có một đứa bé chân đi khập khiễng. Nhìn kỹ lại, ông chủ của bố tôi mới thấy đứa bé ấy bị tật bẩm sinh ở chân. Ông bước ra khỏi xe và tiến tới chỗ cậu bé.
“Chân cháu như thế có gặp khó khăn gì không?”, ông hỏi cậu bé.
“Nó làm cháu chạy chậm chút xíu thôi mà”, cậu bé đáp. “Với lại cháu phải làm cho giày nhỏ bớt lại để cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng cháu quen rồi. Sao ông lại hỏi như thế ạ?”
“À, ông có thể giúp cháu chữa lành cái chân ấy đấy. Cháu có thích không?”
Cậu đáp: “Chắc chắn là thích rồi ạ”. Cậu bé tỏ ra vui sướng nhưng vẫn còn chút bối rối trước câu hỏi ấy.
Vị thương gia ghi lại tên cậu bé rồi quay trở về xe. Trong lúc ấy, bọn trẻ nhặt mấy cái vòng lên rồi tiếp tục xuống phố.
Khi quay vào xe, ông chủ của bố tôi bảo: “Anh Woody này, đứa bé đi khập khiễng ấy... tên là Jimmy, tám tuổi. Anh tìm xem nhà nó ở đâu rồi cho tôi biết tên và địa chỉ của bố mẹ nó nhé”. Nói rồi ông đưa cho bố tôi tờ giấy có ghi tên cậu bé. “Chiều nay anh đến thăm bố mẹ cậu bé đi và hãy cố xin phép họ đồng ý cho Jimmy được giải phẫu chân. Còn giấy tờ bệnh viện ta sẽ làm sau. Tôi sẽ lo hết mọi chi phí phẫu thuật.”
Ăn bánh xăng-uých xong, bố tôi đưa ông chủ tới chỗ hẹn.
Bố tôi vào hiệu thuốc gần đó và ông chẳng mất nhiều thời gian để biết được địa chỉ nhà của Jimmy. Hầu như ai ở đó cũng biết cậu bé bị khập khiễng một chân.
Chỗ ở chật hẹp mà Jimmy và gia đình cậu bé gọi là nhà đó cần phải được sơn phết và sửa chữa lại. Nhìn quanh, bố tôi thấy mấy chiếc áo sơ mi rách tả tơi và vài cái áo đầm vá loang lổ đang phơi trên dây quần áo cột tạm bợ vào vách nhà. Một chiếc vỏ xe mà người ta đã bỏ đi được treo vào một đoạn dây thừng cũ kỹ vắt qua cành sồi để làm xích đu.
Một phụ nữ ngoài ba mươi tuổi đáp lời khi nghe tiếng bố tôi gõ vào cánh cửa hoen gỉ. Trông chị có vẻ mệt mỏi, và những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt cho thấy cuộc sống cơ cực của chị.
“Chào chị”, bố tôi chào chị ấy. “Chị có phải là mẹ cháu Jimmy không?”
Chị khẽ nhíu mày trước khi trả lời bố tôi. “Vâng, nó lại gặp chuyện gì nữa sao?” Ánh mắt chị nhìn vội chiếc cổ áo còn cứng hồ và bộ đồ vét được ủi phẳng phiu của bố tôi.
“Không phải. Tôi đến đây là thay mặt cho một người đàn ông giàu có với ý định giúp cháu chữa lành chân để cháu có thể chơi đùa bình thường như các bạn của cháu.”
“Thế điều kiện là gì, thưa ông? Chứ ở đời này chẳng có gì cho không cả.”
“Chẳng phải chuyện đùa đâu chị. Nếu chị để tôi giải thích với chị và cả với anh nhà nữa, nếu có anh ấy ở đây, tôi nghĩ chị sẽ hiểu thôi. Tôi biết việc này khá bất ngờ nên tôi cũng không trách được những nghi ngờ của chị.”
Chị ấy lại nhìn bố tôi lần nữa, và mời ông vào nhà dù vẫn chưa hết do dự. “Anh Henry”, chị quay xuống bếp gọi to, “ra nói chuyện với ông này nè. Người ta nói muốn giúp thằng Jimmy chữa chân”.
Suốt gần một tiếng đồng hồ, bố tôi đã phải giải thích kế hoạch chữa trị và trả lời mọi câu hỏi của hai vợ chồng ấy. Rồi ông kết thúc buổi nói chuyện của mình: “Nếu anh chị bằng lòng cho Jimmy tiến hành ca phẫu thuật này thì tôi sẽ gởi đến một số giấy tờ để anh chị ký tên vào. Xin nói lại là chúng tôi sẽ chịu mọi chi phí”.
Thoáng chút bối rối, bố mẹ Jimmy đưa mắt nhìn nhau. Họ vẫn không tin lắm về tất cả những chuyện này.
“Đây là danh thiếp của tôi. Tôi sẽ viết thư cho anh chị khi gởi các giấy tờ đến. Trong thư tôi sẽ nói lại những việc chúng ta vừa bàn với nhau. Nếu cần hỏi thêm gì nữa, anh chị cứ gọi điện hay viết thư cho tôi theo địa chỉ ở đây.” Dường như cam kết này làm họ an tâm hơn. Rồi bố tôi đứng dậy ra về. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Sau đó, ông chủ của bố liên hệ với ngài thị trưởng và nhờ ông ấy cho người tới nhà bé Jimmy để trấn an bố mẹ cậu rằng đấy là một lời đề nghị giúp đỡ hoàn toàn hợp pháp. Dĩ nhiên, danh tánh của nhà hảo tâm không hề được đề cập đến.
Chẳng bao lâu sau, khi mọi giấy tờ đã được ký nhận, bố tôi đưa Jimmy tới bệnh viện tốt nhất ở một tiểu bang khác để tiến hành ca phẫu thuật chân đầu tiên trong tổng số năm ca phẫu thuật chữa trị cho cậu bé.
Tất cả các ca giải phẫu đều thành công tốt đẹp. Jimmy được các cô y tá khoa chỉnh hình trong bệnh viện rất yêu mến. Khi Jimmy xuất viện, tất cả đều khóc và ôm hôn cậu bé khi chia tay cậu lần cuối. Các cô còn tặng cậu bé một món quà cũng là hành động cuối cùng nói lên sự quan tâm của họ dành cho cậu. Đó là một đôi giày mới, được thiết kế đặc biệt dành cho bàn chân “mới” của cậu.
Jimmy và bố tôi đã trở thành những người bạn thân thiết qua những lần cùng ra vào bệnh viện. Trong lần cuối cùng trở về nhà, hai bác cháu đã ca hát, trò chuyện về những điều Jimmy có thể làm được với bàn chân đã được chỉnh hình bình thường, và khi về gần đến nhà, hai bác cháu đã lặng im bên nhau hồi lâu.
Khi về đến nhà và bước ra khỏi xe, một nụ cười rạng rỡ nở trên gương mặt của Jimmy. Bố mẹ cùng hai em trai của cậu bé đang túm tụm chờ đón trước hiên nhà rách nát.
“Cứ đứng đó”, Jimmy la lên. Cả nhà tròn mắt kinh ngạc khi thấy Jimmy đi về phía mình. Dáng đi khập khiễng của cậu bé ngày trước đã biến mất.
Những vòng tay ôm hôn và cả những tiếng cười vây quanh cậu bé vừa trở về nhà với cái chân lành lặn. Bố mẹ cậu bé cứ vừa lắc đầu vừa cười sung sướng khi nhìn con mình. Họ vẫn chưa thể nào tin rằng người đàn ông mà họ chưa bao giờ biết mặt lại trả một số tiền lớn như thế để chỉnh hình chân cho một đứa bé ông không hề quen biết.
Khi nghe bố tôi kể lại cảnh đoàn viên ở nhà cậu bé, nhà hảo tâm giàu có ấy đã tháo kính ra để lau đi những giọt nước mắt của mình. Ông nói với bố tôi: “Giờ anh làm thêm chuyện này nữa nhé. Gần tới lễ Giáng sinh, anh hãy liên hệ với một hiệu giày thật tốt. Nói với chủ cửa hiệu là hãy mời cả nhà Jimmy đến để họ chọn một đôi giày mới vừa vặn cho mình. Tôi sẽ trả tiền hết. Nhưng hãy nói cho họ biết là tôi chỉ làm điều này một lần thôi đấy nhé. Tôi không muốn họ phụ thuộc vào tôi”.
Về sau, cậu bé Jimmy ấy đã trở thành một nhà kinh doanh thành đạt. Theo tôi biết thì Jimmy chẳng bao giờ biết được ai là người đã chi trả cho ca phẫu thuật chân của mình. Còn ân nhân của cậu, ông Henry Ford, vẫn luôn nói rằng ông sẽ vui hơn rất nhiều khi được giúp đỡ những người mà họ không hề biết ông là ai.
- Woody McKay Jr.
JACK CANFIELD & MARK VICTOR HANSEN