XtGem Forum catalog
13- Vì sao các dòng sông uốn khúc quanh co?


Quá trình lồi và lõm mỗi bên của dòng sông tạo nên các khúc quanh.

Vào lúc bắt đầu hình thành dòng chảy, lòng sông thường không phẳng. Những nơi nước sông chảy qua, vì rất nhiều nguyên nhân, nên tốc độ chảy ở hai bên trái phải không hoàn toàn bằng nhau.

Nơi này bờ sông lở một chút, nơi kia mất một cái cây, nơi khác nữa có thêm dòng nước chảy từ bên ngoài vào…

Những hiện tượng đó đều có thể làm cho tốc độ chảy của sông ở một nơi nào đó nhanh lên hoặc chậm đi. Đồng thời vật chất hai bên bờ cũng khác nhau, có nơi dễ bị phá vỡ, có nơi lại khá rắn chắc. Tất cả những cái đó đã làm cho lòng sông trở thành uốn khúc quanh co.

Một khi đã sinh ra khúc quanh, nó sẽ tiếp tục phát triển. Bởi vì hướng dòng nước là chảy thẳng vào bờ lõm, hơn nữa nước ở tầng trên cũng từ bờ lồi chảy vào bờ lõm, còn nước ở tầng dưới lại từ bờ lõm chảy ngang về phía bờ lồi làm cho bờ lõm bị phá hoại mạnh mẽ. Trong khi đó nước ở bờ lồi lại chảy tương đối chậm, năng lượng yếu. Vì thế ở phía bờ lõm, bùn cát dễ bị cuốn đi, lòng sông tương đối sâu, bờ sông dốc, trở thành nơi lý tưởng cho các bến cảng.

Dưới tác dụng lâu dài của nước sông, bờ lõm do bị không ngừng phá hoại mà ngày càng lõm, bờ lồi vì nước chảy chậm, bùn cát không những bị cuốn đi mà ngược lại còn tích tụ ngày càng nhiều khiến bờ lồi ngày càng lồi thêm. Dòng sông trở nên quanh co.

Khi đáy sông cao hơn mực nước chảy vào sông, nước sông chủ yếu xâm thực xuống dưới, còn khi đáy sông thấp hơn thì nước sông chủ yếu xâm thực vào hai bên. kết quả của sự xâm thực là lòng sông dần rộng thêm ra, dòng sông ngày càng uốn khúc, điểm bắt đầu và điểm kết thúc của một khúc ngày càng gần, thậm chí cuối cùng bị xuyên qua. Ở hai đầu của khúc cong cũ, bùn cát tích đọng càng nhiều, làm cho khúc cong và dòng chảy bị tách rời, cuối cùng hình thành những chiếc hồ hình cánh cung, hay hồ hình móng ngựa (hồ Tây là một điển hình)



14- Vì sao lá trên ngọn rụng cuối cùng?


Phần ngọn cây được ưu tiên hơn, nên sống sót lâu hơn.

Ở miền ôn đới, mỗi khi mùa thu đến, cây thay màu lá từ xanh sang vàng, cuối cùng trút nốt chiếc áo này, trần trụi đón mùa đông tới. Nếu chú ý một chút, bạn sẽ thấy lá trên cành chính đổi màu trước tiên, sau đó lan dần đến ngọn cây, ngọn cành. Rụng lá cũng vậy, rụng ở dưới trước, càng lên trên ngọn, lá càng rụng chậm.

Có thể bạn sẽ nói, đó là hiện tượng tự nhiên của giới sinh vật, già trước chết trước. Lá phía dưới ra trước lá đầu cành nên rụng sớm hơn. Đây cũng là một cách giải thích, nhưng còn có cách hiểu sâu hơn.

Trong quá trình sinh trưởng, mọi cây cối đều vươn tới sự phát triển đầy đủ nhất, cho nên nó luôn đưa nhiều thức ăn lên ngọn để tăng nhanh sự sinh trưởng. Ngọn cành do được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nên vươn dài mãi ra, khi ấy lá cây cũng mọc dần theo, lá cũng lại phát huy tác dụng tạo ra chất dinh dưỡng. Khi ngọn cây lớn đến một mức độ nhất định, sinh trưởng sẽ chậm dần lại. Lúc này cây rụng lá là do hai điều kiện: Bên trong, việc cung cấp dinh dưỡng bị hạn chế và bên ngoài, điều kiện thời tiết thay đổi theo chiều hướng không có lợi, chức năng tổng hợp thức ăn của lá kém dần, lá không tồn tại được nữa, rơi lả tả.

Nhưng mặc dù vậy, bộ phận ngọn cây vẫn được ưu tiên chăm sóc, thức ăn được cung cấp nhiều nhất, nên dù cây ngừng đưa thức ăn lên ngọn, nhờ vào lượng dự trữ nó vẫn sinh tồn thêm một thời gian. Đồng thời trong lúc đó, chất diệp lục trong lá cây chưa bị phá huỷ, vẫn tổng hợp được một số chất dinh dưỡng. Như vậy, lá trên ngọn cây sẽ rụng muộn hơn ở các bộ phận khác trên cây.





15- Vì sao khi bứng cây đi phải cắt bớt một phần cành lá?



Cây có lá càng to, khi bứng đi trồng chỗ khác càng phải được xén bớt lá.

Khi trồng cây, người ta thường tỉa và cắt bớt một phần cành lá cây giống mới đem trồng, cá biệt có nơi khi trồng cây lá rộng, còn phải cắt đi một nửa hoặc 2/3 mỗi lá. Đó là do khi bứng, hệ thống rễ ít nhiều đều bị đứt, ảnh hưởng đến khả năng hút nước của cây.

Sau khi bứng đi, số rễ bị thương không còn khả năng hút nước. Trong khi đó, lá cây vẫn quang hợp và hô hấp bình thường, mà hoạt động này lại đòi hỏi nhiều nước. Đặc biệt khi có gió và nắng to, sự thoát hơi mặt lá và cành rất mạnh, lượng nước mất đi càng lớn.

Nếu bứng cây đem trồng mà không cắt bớt một số cành và lá, công việc giữa bộ rễ và bộ phận trên mặt đất sẽ không điều hoà, làm cho lượng nước vào cơ thể cây thì ít, ra thì nhiều, dễ dẫn đến héo khô hoặc hồi phục chậm, cây có thể chết do mất nước.

Vì vậy, khi bứng cây đem trồng cần phải cắt bớt một số lá và cành vừa phải để giảm bớt sự thoát hơi nước, đảm bảo cân bằng giữa số nước hút vào và số nước mất đi, có thế mới nâng cao được tỷ lệ cây sống.



16- Ở đâu ra đỉnh núi bằng?



Núi bàn ở Cape Town, Nam Phi.



Dù là khách du lịch hay thuỷ thủ có kinh nghiệm, mỗi khi ngồi tàu thủy qua mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi, thường bị "hút hồn" bởi một ngọn núi có đỉnh phẳng lỳ như mặt bàn, thuộc loại núi cực hiếm trên thế giới.

Ở vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc cũng có loại núi này. Vì sao chúng lại bằng như có ai gọt đẽo vậy?

Đó là do tầng nham thạch bằng phẳng phát triển mà hình thành. Trên đáy biển, đáy hồ và vùng đồng bằng rộng từ thời đại Thái viễn cổ, nước chảy đã làm lắng đọng nhiều tầng đất cát, bùn và đá cuội. Qua bao nhiêu năm tháng, những tầng đất tơi vụn đó dần dần tích tụ lại, ngày một dày, chắc, để rồi từng bước hoá thành tầng thạch quyển cứng rắn.

Sau đó vỏ trái đất xảy ra những vận động nhô lên một cách chậm chạp. Các tầng thạch quyển này từ đáy nước nâng lên tương đối ổn định, nên giữ được trạng thái bằng phẳng. Rồi trên tầng thạch quyển bằng phẳng đó xuất hiện những sông, suối lớn nhỏ. Các dòng nước này xói mòn dần theo các rãnh, hình thành những vùng núi hoặc gò đồi nhấp nhô. Nếu đỉnh của chúng là một tầng thạch quyển cứng rắn, khó bị xâm thực phá hoại thì sẽ giữ được trạng thái bằng phẳng lâu dài, còn hai bên dốc đứng như bức tường.

Tuy vậy, một số núi không có các điều kiện trên, nhưng đỉnh của chúng cũng bằng phẳng, xa trông như một cái bàn vuông. Có cái là do đá bazan nóng chảy từ núi lửa phun ra che phủ mà thành, có cái là do nham thạch kết tinh từ xa xưa, bị xâm thực phong hoá lâu dài mà thành.



17- Vì sao một số cây nhiệt đới có rễ khí sinh?



Các rễ phụ giúp nâng đỡ thân hình đồ sộ của cây đa.

Trên nhiều loại cây ở vùng Đông Nam Á, ta thấy rủ xuống những chiếc rễ lớn dạng tấm. Đôi khi là những sợi rễ dài, buông lòng thòng như dây thừng trong không trung hoặc cắm thẳng xuống đất, gọi là rễ khí sinh. Chúng hình thành do sự thích nghi đặc biệt với không khí nóng ẩm.

Trong môi trường nhiệt đới nắng lắm, mưa nhiều. Cây thoát hơi nước cũng rất lớn. Chính vì vậy rễ khí sinh là một giải pháp tốt để bổ sung kho dự trữ dịch lỏng cho cơ thể. Rễ khí sinh không có lông hút và chóp rễ, vì vậy không thể hút được thức ăn, nhưng bù lại, chúng có thể hút nước trong không khí giúp cây phát triển.

Mặt khác, với nhiều loại cây có thân to lớn như đa, rễ khí sinh còn có tác dụng phụ trợ là nâng đỡ. Cũng có loại rễ khí sinh chứa chất diệp lục, có thể quang hợp tạo ra chất dinh dưỡng.

Ngoài ra trong môi trường ẩm ướt, các cây như dây thường xuân (hedera sinensis), thạch hộc (dendrobium nobile), điếu lan (chlorophytum capense), thậm chí đến dây nho cũng mọc ra rễ khí sinh. Hiển nhiên điều đó phải do điều kiện đặc biệt ẩm ướt mới có

18- Có phải nam thông minh hơn nữ?



Các em nam thường có sáng kiến trong học tập, còn nữ lại rất chăm chỉ.

Chuyện này quả là khó nói. Về tổng thể, trí thông minh của nam và nữ tương đương nhau, tuy nhiên, mang các sắc thái khác nhau. Chẳng hạn, phái nam mạnh hơn trong khả năng tri giác không gian. Do đó, việc tìm hướng, dò đường, họ hơn hẳn nữ một bậc. Nhưng về khả năng thính giác, phái yếu lại vượt xa.

Vì thế, nữ phân biệt và định vị âm thanh, nhất là khả năng nghe giọng cao, hơn hẳn nam. Về khả năng ngôn ngữ, nữ cũng phát triển sớm hơn. Do đó, họ đọc, viết, nói năng và phát âm lưu loát, rõ ràng hơn nam giới, nhưng lại khiêm tốn hơn về số lượng từ vựng, tính suy diễn và logic. Bài làm văn, nữ thường mô tả chi tiết và có màu sắc hơn, còn nam thường có ý lạ, bố cục nhiều biến đổi, góc cạnh hơn.

Về mặt tư duy, nam thiên về tư duy logic, trừu tượng, nữ lệch về tư duy hình tượng cụ thể. Óc tưởng tượng của nam, đa số thuộc quan hệ giữa vật và vật theo hướng logic, còn trí tưởng tượng của nữ lại lệch về quan hệ giữa người với người theo hướng hình tượng. Về trí sáng tạo, theo kinh nghiệm, nam có vẻ khá hơn một chút. Các em nam thích đi sâu nghiên cứu, khả năng suy luận tương đối mạnh, dễ dàng phản bác, phủ định cái được nêu ra hoặc liên hệ với những cái khác. Nữ thường bị gò bó trong khuôn khổ cứ theo "tiêu chuẩn" mà làm. Điều này cũng có thể giải thích tại sao trong số các nhà khoa học và phát minh, nữ tương đối hiếm hoi.

Sự khác biệt này còn phân theo lứa tuổi. Nghiên cứu cho thấy, trước tuổi đi học, trí thông minh của hai giới không rõ rệt. Từ tuổi đến trường cho đến tuổi dậy thì, các cô bé nhanh nhạy hơn hẳn các bạn khác giới. Qua tuổi này, ưu thế của nữ giảm xuống trong khi trí thông minh của phái mày râu lại tăng lên. Thông thường sau 20 tuổi, trí thông minh của cả hai giới lại không có biến đổi rõ theo tuổi nữa.



19- Vì sao mặt trời lặn vào mây thì đêm sẽ mưa?



Mặt trời lặn vào mây, nhưng không phải là dấu hiệu trời mưa.

Vào lúc xẩm tối, nếu xuất hiện những đám mây đen lớn sát đường chân trời, gió thổi mạnh, mặt trời dường như lặn vào trong những đám mây ấy, thì thường là đến nửa đêm trời sẽ mưa.

Để giải thích hiện tượng này, trước hết chúng ta phải biết, vì sao mặt trời lặn vào trong đám mây. Đó là vì có những đám mây nóng di chuyển qua đường chân trời phía tây. Hệ mây này có thể là mây tầng cao hoặc mây vũ tầng - chứa nhiều hơi nước.

Mây vũ tầng tập trung sát đường chân trời phía tây, dưới tác dụng của nhiệt độ, sẽ lan rộng và di chuyển tới khu vực người quan sát. Vào lúc nửa đêm, mây sẽ tích tụ lại khi nhiệt độ hạ xuống thấp nhất, lúc đó sẽ có mưa.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp mặt trời lặn vào trong mây, nhưng khi mây tầng cuộn lên cao, ở phần dưới lộ ra một khoảng trống rỗng. Khi đó, tuy có hiện tượng mặt trời lặn vào trong mây, nhưng lại không phải điềm báo trời mưa. Chỉ khi nào những đám mây đen lớn phủ kín sát đường chân trời, thời tiết mới có thể thay đổi và trời sẽ mưa.



20- Bí quyết leo giàn của cây xanh



Hoa hublon (hoa bia) leo lên giàn.

Bí, mướp, dưa chuột, dây trường xuân, nho… rất có tài leo trèo. Chỉ cần móc được vào một thân cây, que củi hay thậm chí cột điện, chúng sẽ thoăn thoắt "bò lên". Nhưng nếu không có điểm tựa nào, chúng ngả ra rồi đuội dần và chết. Chúng leo kiểu gì?

Darwin từ lâu đã chú ý đến một loài cây leo gọi là hublon hay hoa bia. Ông đặt nó trong nhà, suốt ngày đêm không ngủ theo dõi nó. Lúc đầu, một đoạn dây cuốn của ngọn hublon vươn ra khoảng không. Darwin buộc dây cuốn vào một cành cây, chỉ để một đoạn ngắn đầu cùng không buộc. Đoạn ngắn không buộc đó vốn đang thẳng đứng, một lát sau bỗng thay đổi, chỗ uốn vồng lên tự nhiên cong xuống, sau đó bắt đầu chuyển động xoay tròn.

Thì ra, trong cơ thể thực vật có một loại chất kích thích sinh trưởng có thể làm tăng nhanh sự phát triển của tế bào, nhưng khi nồng độ quá cao, nó lại kìm hãm thực vật sinh trưởng. Vì vậy, sự phân bố nhiều hay ít của chất kích thích sẽ quyết định tốc độ phát triển của thân nhanh hay chậm. Có lúc bên trái sinh trưởng nhanh hơn bên phải, có lúc bên phải nhanh hơn, thế là bắt đầu sự phát triển xoay tròn, khả năng bò leo cũng xuất hiện.

Phương thức leo của mướp, dưa chuột khác với bìm bìm, hublon. Chúng mọc rất nhiều tay cuốn. Tay cuốn hết sức nhạy cảm, hễ gặp những thứ như cành tre hoặc sợi dây là lập tức cuốn chặt. Dưa chuột đã leo lên giàn bằng tay cuốn như thế, chẳng khác gì người leo cột bằng hai tay vậy.

Darwin đã từng đùa với loại cây leo này. Ông cọ xát vào tay cuốn, nó tưởng đụng vào một vật như cành cây hoặc sợi dây, liền cuộn cong lại. Sau mấy phút dây cuốn phát hiện mình bị lừa, trên thực tế không có gì bám, nó lại vươn thẳng ra. Tay cuốn của dây leo nếu không tiếp xúc được với cột chống hoặc cành cây, nó sẽ có hình xoáy ốc, cuối cùng thì chết khô, chỉ khi nào cuốn vào vật gì nhờ cậy được nó mới bám chắc không rời.



21- Nói 'mặt trời mọc ở đằng đông' có đúng không?



Mặt trời mọc ở biển.

Buổi sáng thức dậy, nhìn về phía đông, bạn sẽ thấy ông mặt trời đỏ ối từ từ mọc lên. Thế mà có người dám bảo rằng mặt trời không mọc ở phía đông! Không lẽ lại có chuyện như vậy?

Trước đây, người ta nghĩ trái đất phẳng, bầu trời tròn úp lên. Buổi sáng người ta thấy rõ ràng là mặt trời mọc lên ở phía đông, và lặn xuống phía tây vào buổi tối. Mắt người ta quen nhìn thấy thế, nên cũng quen miệng nói vậy thôi. Thực ra, trái đất hình cầu, quay quanh trục của nó, vì vậy mới có hiện tượng ngày và đêm. Phần trái đất hướng về phía mặt trời là ngày, phần bị che khuất là đêm.

Khi trái đất quay, góc nghiêng giữa mặt trời và mặt đất cũng lớn dần lên, vì vậy ta có cảm tưởng mặt trời "mọc" từ thấp lên cao. Cũng bởi vì trái đất quay về hướng đông, nên ta cũng thấy mặt trời "mọc" lên từ hướng đông. Đúng ra, chúng ta phải nói "trái đất quay về hướng đông, hướng về phía mặt trời". Nhưng nói vậy có lẽ dài dòng quá, nên người ta vẫn bảo "mặt trời mọc ở đằng đông". Tất nhiên, nói vậy là sai khoa học, nhưng người ta cũng mặc kệ.



22- Vì sao nước suối có thể nhô cao hơn miệng cốc?



Sức căng mặt ngoài làm giọt nước phồng lên.

Nếu bạn đổ nước suối vào trong cốc, rồi bỏ nhẹ từng viên sỏi nhỏ vào, nước sẽ nhô cao lên khỏi miệng mà không tràn ra ngoài, cứ như là cốc được đậy bằng một nắp vô hình nào đó.

Các phân tử nước trên bề mặt đều hút nhau, giống như một nhóm người tay cầm tay nhau. Chúng co kéo nhau trên bề mặt, nên những phân tử đơn lẻ không dễ gì bị tách riêng ra. Đặc tính này còn gọi là sức căng bề mặt. Nhờ đó, chất lỏng nói chung có thể nhô cao hơn bề mặt cốc.

Khi nước lẫn tạp chất, sức căng bề mặt sẽ bị thay đổi. Nếu tạp chất là bọt xà phòng, sức căng bề mặt sẽ giảm. Ngược lại, nếu lẫn khoáng chất, sức căng bề mặt sẽ tăng lên. Nói chung, nước suối đều chứa một lượng khoáng chất nhất định, nên có thể dâng cao hơn mặt cốc khá nhiều, khiến ai cũng nhìn thấy được.


trang tiep theo